Đại vương công phu nhân Nga Sophie_Dorothee_xứ_Württemberg

Chân dung Công nữ Sophie Dorothee xứ Württemberg, Đại vương công phu nhân Mariya Fyodorovna của Nga, bởi Alexander Roslin.Chân dung Nữ hoàng Yekaterina II của Nga, mẹ chồng của Sophie Dorothee, người mà Đại vương công phu nhân vừa ngưỡng mộ vừa chống đối.

Đính hôn

Sau khi Đại vương công Pavel Petrovich trở thành quan phu[lower-alpha 1] vào năm 1776, Friedrich II của Phổ đã ngỏ lời gả cháu gái cho Pavel. Nữ hoàng Yekaterina II của Nga rất hào hứng với đề nghị này: Sophie Dorothee không chỉ có nền giáo dục tương tự Nữ hoàng Nga, nhưng còn có tên giống nhau[lower-alpha 2] và có cùng nơi sinh. Tuy nhiên lúc bấy giờ Dorothee lại có hôn ước với Ludwig xứ Hessen-Darmstadt, anh trai của Wilhelmine, người vợ đầu của Pavel. Quốc vương Friedrich II của Phổ đã đề nghị xử lý chuyện này và Ludwig nhận được một khoản tiền bồi thường với trị giá 10.000 rúp cho việc hôn ước với Sophie Dorothee bị hủy bỏ.[8][7]

Khi mẹ của Sophie Dorothee than thở về số phận bất hạnh của một số vị quân chủ Nga:"những điều bất hạnh thường xảy đến với các vị quân chủ Nga, ai biết được điều gì sẽ xảy đến với con gái tôi?[lower-alpha 3][9] Sophie Dorothee đã trả lời mẹ rằng: “Con rất sợ Nữ hoàng Yekaterina. Con sẽ hành xử lúng túng trước mặt ngài và chắc chắn sẽ nhìn như một con ngốc. Chỉ mong Nữ hoàng và ngài Đại vương công sẽ thích con."[lower-alpha 4] Điều Sophie Dorothee lo không phải là triều đình Nga nhưng làm sao để đến Nga một cách nhanh nhất.[9] Về phần, Pavel, Đại vương công đã hỏi mẹ về ngoại hình của vợ sắp cưới: "Liệu nước da của nàng có màu tối hay sáng, thấp hay cao?"[lower-alpha 5] và được Nữ hoàng Yekaterina II hồi đáp rằng: "Nàng có vóc dáng cao lớn, đáng yêu, quyến rũ. Nói tóm lại, nàng là một báu vật, một báu vật thực sự, một báu vật mang theo mình niềm vui."[lower-alpha 6][4]

Sophie Dorothee và Pavel Petrovich gặp nhau lần đầu tại bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước nhân dịp Pavel đến Berlin. Trên dường Pavel đến Berlin, Yekaterina II đã gửi thư cho Vương tử Heinrich của Phổ, người chịu trách nhiệm hộ tống Pavel đến Berlin, và bày tỏ nỗi lo lắng của mình:"Ta không nghĩ rằng đã có tiền lệ cho một cuộc gặp gỡ thế này. Đây là kết quả của một tình bạn thân thiết và đáng tin cậy nhất. Nàng Công nữ này sẽ là bảo chứng cho điều này. Ta sẽ không thể gặp nàng ta mà không nhớ đến việc mối hôn sự này đã bắt đầu và kết thúc như thế nào giữa bên Phổ và Nga.’’[lower-alpha 7]. Yekaterina II lo sợ con trai sẽ làm hỏng chuyện để chọc tức mình. Thế nhưng buổi gặp mặt giữ Sophie Dorothee và Pavel đã mang lại kết quả tốt đẹp.[10] Biết rằng chồng sắp cưới là có những sở thích nghiêm túc, Công nữ đã nói về hình học trong buổi gặp đầu tiên.[7][11] Ngày kế tiếp, Sophie Dorothee đã viết thư gửi một người bạn có nội dung rằng: "Ta còn hơn cả hài lòng. Ngài Đại vương công không thể tử tế hơn. Ta tự hào rằng chàng rể yêu dấu của ta yêu ta rất nhiều, điều này khiến ta trở thành người rất, rất may mắn."[lower-alpha 8] Cũng cảm thấy hạnh phúc như vợ sắp cưới, Pavel đã viết thư gửi mẹ rằng: "Con nhận ra vợ sắp cưới của con hoàn toàn phù hợp với hình mẫu của mình. Nàng có vóc dáng cân đối, thông minh, nhanh trí và không hề e ngại."[lower-alpha 9][11] Cùng với việc chính Friedrich II, thần tượng của Pavel, đã giới thiệu Sophie Dorothee đã khiến cho Pavel càng khao khát Sophie Dorothee.[12]

Những năm đầu làm dâu

Đầu mù thu, Sophie Dorothee đã viết thư bày tỏ tình cảm với chồng tương lai: "Em không thể ngủ, hỡi chàng Hoàng tử dấu yêu của em, mà không lần nữa nói chàng rằng em yêu và ái mộ chàng đến điên dại".[lower-alpha 10][11] Sau khi đến Sankt-Peterburg, Sophie Dorothee đã cải sang Giáo hội Chính thống giáo Nga và lấy tên là Mariya Fyodorovna và được ban tước hiệu Đại vương công phu nhân Nga cùng kính xưng Hoàng thân Điện hạ (tiếng Anh: Imperial Highness). Một ngày sau lễ đính hôn, Sophie Dorothee đã viết thư gửi Pavel rằng: "Với lá thư này, em thề nguyện yêu và ái mộ chàng trong suốt phần đời sau này và sẽ luôn ở bên chàng, và không thế lực nào trên thế gian có thể khiến em thay lòng. Đây chính là tấm lòng của người vợ sắp cưới dịu dàng và chung thủy của chàng"[lower-alpha 11][13] Pavel cũng bày tỏ tình cảm của mình trước vợ chưa cưới: “Ta thề với nàng rằng, mỗi ngày trôi qua, ta yêu nàng nhiều hơn.”[lower-alpha 12] Đám cưới được cử hành vào ngày 26 tháng 9 năm 1776.[11] Mặc dù Pavel có tính cách khó khăn và có phần tàn bạo, Sophie Dorothee vẫn một lòng với chồng. Sự điềm tĩnh và nhẫn nại của Đại vương công phu nhân là phương thức Sophie Dorothee đối phó với tính cách của chồng và làm dịu đi khía cạnh cực đoan của Pavel. Sophie Dorothee đã viết thư gửi một người bạn rằng: "Người chồng yêu dấu của ta là một thiên thần hoàn hảo và ta yêu chàng đến khờ dại."[lower-alpha 13][14]

Là Đại vương công phu nhân, Sophie Dorothee có tính cách tiết kiệm đến mức sẵn sàng dành cả ngày trong một bộ triều phục hoàn chỉnh mà không mệt mỏi và áp đặt điều tương tự lên đoàn tùy tùng của mình. Đại vương công phu nhân không ngần ngại sử dụng trang phục của người vợ đầu của chồng và tranh chấp quyền sử dụng đôi giày với các thị nữ của Wilhelmine.[6] Lúc ban đầu, Yekaterina II bị thu hút bởi cô con dâu và đã viết cho Phu nhân Bielke rằng: "Ta phải thú thật rằng ta yêu thích nàng Công nữ quyến rũ này. Con bé chính là người mà một ai đó mong muốn có được: con bé có vóc dáng mảnh khảnh, nước da trắng như hoa huệ và hồng hào như hoa hồng, làn da đẹp đẽ nhất thế giới, cao ráo và săn chắc; con bé là người tươi sáng; ngọt ngào, có trái tim nhân hậu và sự thẳng thắn được thể hiện rõ trên khuôn mặt của con bé."[lower-alpha 14][12]

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người phụ nữ nhanh chóng trở nên xấu đi: Sophie Dorothee đứng về phía người chồng bị lạnh nhạt và mặc dù có ý tốt muốn xoa dịu tình hình nhưng việc can thiệp chỉ làm trầm trọng thêm sự khác biệt của hai mẹ con. Vào tháng 12 năm 1777, Bà Đại vương công hạ sinh người con đầu lòng, sau này chính là Aleksandr I của Nga. Sophie Dorothee đã viết thư gửi bạn rằng: "Ta rất hạnh phúc khi Đấng Toàn Năng đã dùng ta làm khí cụ để thỏa mãn hy vọng cho quê hương yêu dấu của chúng ta.[lower-alpha 15] Tuy nhiên, niềm vui của hai vợ chồng kéo dài không lâu khi chỉ ba tháng sau, Yekaterine II đã tàn nhẫn mang đứa trẻ về nuôi dưỡng tách biệt với cha mẹ, dù rằng khi xưa chính Yekaterina cũng bị Nữ hoàng Yelizaveta I của Nga làm điều tương tự với con trai Pavel. Khi đứa con trai thứ hai, Konstantin Pavlovich chào đời vào tháng 4 năm 1779, nữ hoàng cũng làm điều tương tự.[15] Nếu Aleksandr được kỳ vọng sẽ cai trị Nga trong tương lai thì Konstantin được Yekaterina II kỳ vọng rằng một ngày nào đó sẽ cai trị Hy Lạp.[16][17] Trớ trêu thay, bất chấp mọi nỗ lực của Yekaterina II, cả Aleksandr I và Konstantin đều không để lại hậu duệ mà chính Nikolai I, đứa con do Sophie Dorothee nuôi dưỡng là người kéo dài huyết mạch Hoàng tộc Romanov.[18] Trong bốn năm tiếp theo, hai vợ chồng không có thêm con. Bị tước đoạt các con trai, Sophie Dorothee bận rộn trang trí Cung điện Pavlovsk, món quà do Yekaterina II ban tặng nhân kỷ niệm sự ra đời của đứa cháu trai đầu lòng.[16]

Di lịch khắp châu Âu

Mệt mỏi vì bị loại trừ khỏi các vấn đề chính trị, Pavel và vợ xin phép nữ hoàng đi du lịch nước ngoài tới Tây Âu. Vào tháng 9 năm 1781, dưới bí danh "Bá tước và Bá tước phu nhân Severny", vợ chồng Pavel bắt đầu cuộc hành trình kéo dài mười bốn tháng và đến Ba Lan, Áo, Ý, Pháp, Bỉ, Hà Lan và phía Nam nước Đức.[19] Paris đã gây ấn tượng đặc biệt với cặp đôi, khi họ đến thăm Louis XVI của PhápMaria Antonia của Áo. Trong khi Louis rất thân thiết với Pavel thì Maria Antonia lại cảm thấy sợ hãi và lo lắng khi gặp Sophie Dorothee, một người phụ nữ trí thức nổi tiếng và vô cùng tự tin. Cuộc đối thoại giữa Đại vương công phu nhân Nga và Vương hậu Pháp dần trở nên sôi nổi và Maria Antonia đã tặng Sophie Dorothee một bộ đồ trang điểm có in hình Vương huy Württemberg.[20] Ở Áo, Hoàng đế La Mã Thần thánh Joseph II đã nhìn nhận Sophie Dorothee là người ở thế trên đối với chồng.[21]

Trong chuyến thăm đến Ý, cặp đôi thể hiện tình cảm công khai khi Pavel không ngừng hôn vợ trước công chúng, khiến những người đồng hành của hai vợ chồng ngạc nhiên. Trên đường trở về Sankt-Peterburg, Sophie Dorothee đến Württemberg để thăm cha mẹ. Vào cuối năm 1782, cặp đôi quay trở lại Nga và dành sự quan tâm đến Cung điện Pavlovsk, nơi Đại vương công phu nhân hạ sinh con gái Aleksandra Pavlovna, đứa con gái đầu trong số sáu người con gái.[22] Để kỷ niệm ngày sinh của Aleksandra, Yekaterina II đã tặng hai vợ chồng Cung điện Gatchina, một nơi hai vợ chồng dành nhiều sự quan tâm cho đến khi Pavel kế vị ngai vàng. Nữ hoàng để vợ chồng con trai nuôi dưỡng các cô con gái và các con trai thứ.[22] Từ đó trở đi, Hoàng gia Nga trở thành một gia đình lớn.

Những năm sau này

Trong những năm trị vì của Yekaterina II, Maria và Pavel buộc phải sống biệt lập ở Gatchina với thu nhập eo hẹp. Không giống như các thành viên Hoàng tộc Romanov, Sophie Dorothee là người tiết kiệm, một đức tính hiếm có ở một quý cô nương vương giả thời đó vì Sophie Dorothee xuất thân từ một gia đình đông con và chỉ là một nhánh nhỏ của gia tộc. Đại vương công phu nhân tiếp tục trang hoàng cho Pavlovsk, cống hiến hết mình cho công việc từ thiện với cư dân ở đó,[23] lên kế hoạch cho các sự kiện sân khấu cho chồng, người rất thích thú với những hoạt động giải trí do vợ chuẩn bị, và tham gia các buổi chơi nhạc dành cho gia đình và bạn bè,[23] trong đó Sophie Dorothee chơi đàn harpsichord một cách thành thạo. Đại vương công phu nhân đã cống hiến hết mình cho việc mở rộng salon văn học khiêm tốn của mình,[23] nơi được các nhà thơ Vasily Andreyevich Zhukovsky, nhà viết truyện ngụ ngôn Ivan Andreyevich Krylov và nhà sử học Nikolai Mikhailovich Karamzin thường xuyên lui tới. Sophie Dorothee tự hào là người thông minh hơn mẹ chồng và không bao giờ bỏ lỡ cơ hội so sánh phẩm chất hoàn hảo của mình với những thất bại của Yekaterina II. Sophie Dorothee cũng thận trọng đả kích các sủng thần của mẹ chồng là Grigoriy Aleksandrovich PotemkinAleksandr Matveyevich Dmitriyev-Mamonov.[24]

Sophie Dorothee lưu giữ rất nhiều cuốn nhật ký ghi lại chi tiết cuộc đời của mình, nhưng Hoàng đế Nikolai I đã đốt tất cả những cuốn sách này sau khi mẹ qua đời thể theo nguyện vọng cuối cùng của Sophie Dorothee. Thậm chí hầu hết những bức thư Sophie viết đều không còn tồn tại vì Sophie Dorothee thường yêu cầu đốt chúng đi.[24][23] Mối quan hệ giữa Pavel và Yekaterina Nelidova, một trong những thị nữ của Sophie Dorothee, là nguyên nhân dẫn đến rạn nứt đầu tiên trong cuộc hôn nhân của hai người trong khoảng thời gian đó. Mối quan hệ giữa Pavel và Yekaterina gây đau đớn cho Sophie Dorothee, vì Yekaterina là thị tùng của Sophie Dorothee. Mặc dù Pavel nói rằng mối quan hệ của với Yekaterina Nelidova là trong sáng, nhưng mối quan hệ giữa Sophie Dorothee với Nelidova đã trở nên rất căng thẳng trong nhiều năm. Tuy nhiên, khoảng năm 1794, Sophie Dorothee đã hợp tác với người bạn cũ để cố gắng xoa dịu tính khí giận dữ của chồng cho đến năm 1798, khi Anna Lopukhina thay thế Yekaterina Nelidova trở thành tình nhân của Pavel.[25]

Năm 1796, có những tin đồn rằng Hoàng đế Yekaterina II định bỏ qua con trai Pavel mà chọn cháu nội Aleksandr làm người kế vị ngai vàng. Tháng 6 cùng năm, ngay sau khi Sophie Dorothee hạ sinh con trai Nikolai, Yekaterina II đã thô bạo bước vào phòng của con dâu, cố gắng thuyết phục Sophie Dorothee khiến Pavel chấp nhận để con trai kế vị mẹ. Bất chấp mọi lời đe dọa, Sophie Dorothee vẫn trung thành với chồng. Một tháng sau đó, khi được biết về kế hoạch, Aleksandr cũng từ chối.[26]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sophie_Dorothee_xứ_Württemberg https://books.google.com/books?id=vL-oEAAAQBAJ&new... http://archive.org/details/pavlovsklifeofru00mass http://www.landesarchiv-bw.de/plink/?f=1-1170956 http://www.landesarchiv-bw.de/plink/?f=1-1170927 http://www.landesarchiv-bw.de/plink/?f=1-1170928 http://www.landesarchiv-bw.de/plink/?f=1-1171000 http://www.landesarchiv-bw.de/plink/?f=1-1170926 http://www.landesarchiv-bw.de/plink/?f=1-1173812 http://www.landesarchiv-bw.de/plink/?f=1-122636 http://archive.org/details/alexanderofrussi0000tro...